Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ bày tỏ niềm phấn khởi với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm qua. Trong đó, ngành thông tin truyền thông đã gặt hái nhiều thành công và toàn diện trên hai lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Chia sẻ với các đại biểu tại Hội nghị về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình điều hành cũng như thu hút đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế được xác định là một thế mạnh là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Với mục tiêu xây dựng quảng bá nền hành chính nhà nước phục vụ thân thiện từ xã đến tỉnh, hiện đại, liên thông, với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu phục vụ, đổi mới phương thức điều hành gắn liền với hiện đại hóa cấp sở, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.
Cùng với sự quyết tâm trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng như sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng Chính phủ điện tử và đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử sau khi khung Chính phủ điện tử được ban hành (phiên bản 1.0). Hiện nay, tỉnh đang sẵn sàng để chuyển sang phiên bản 2.0 sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu Chính phủ ban hành phiên bản 2.0 của Chính phủ điện tử.
Việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ từ nhiều năm nay bằng 05 phần mềm dùng chung và đã triển khai giải pháp tích hợp toàn bộ các hệ thống này vào một thông qua cơ chế tài khoản truy cập duy nhất của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh để truy cập tất cả hệ thống này.
Đối với ứng dụng phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh đã chuyển đổi thành công mô hình phân tán qua mô hình tập trung nền dịch vụ hành chính công, thông qua đó từ tỉnh đến xã triển khai hệ thống thông tin dịch vụ công duy nhất; đặc biệt tích hợp, thống nhất hệ thống xử lý dịch vụ công bằng hồ sơ điện tử áp dụng chung cho hình thức đăng ký truyền thống cũng như đăng ký trực tuyến.
Việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính sẽ góp phần hỗ trợ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, người dân, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trong việc sử dụng dịch vụ hành chính công. Cụ thể, trước khi nộp hồ sơ vào dịch vụ hành chính công, người dân, doanh nghiệp sẽ được cán bộ Trung tâm hành chính công các cấp số hóa, xác thực hồ sơ điện tử. Đồng thời việc xử lý hồ sơ điện tử thông qua môi trường mạng thì hồ sơ đăng ký của người dân, doanh nghiệp sau khi đăng ký thành công sẽ được số hóa và ký xác thực bởi Trung tâm hành chính công các cấp, sau đó chuyển về cơ quan chuyên môn xử lý thực hiện trên môi trường mạng. Kết quả xử lý được cơ quan số hóa, ký số trả về cho người dân, doanh nghiệp song song với bản giấy. Thông qua đó đã thiết lập được cơ sở dữ liệu dùng chung, từng bước hướng tới hoàn thiện hồ sơ điện tử phục vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn bằng cách giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí khi giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, một trong những điểm nổi bật của Thừa Thiên Huế trong phát triển dịch vụ đô thị thông minh là thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh với mục tiêu Giám sát, xử lý giao thông; Giám sát, quản lý hình ảnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh; Quản lý các phương tiện công cộng; Giám sát an ninh, tình hình an toàn trật tự tại các khu vực trung tâm, khu vực trọng yếu, khu di tích; Tiếp nhận thông tin ý kiến phản ánh, đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công và đưa ra quyết định trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công; Tiếp nhận, hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho du khách về các vấn đề gặp phải khi du lịch trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt tỉnh đã triển khai khai thí điểm thành công hệ thống thông tin phản ánh hiện trường. Thông qua hệ thống này, những vấn đề tồn tại, hạn chế trên địa bàn toàn tỉnh sẽ được người dân chụp ảnh gửi tới cho các cấp chính quyền có liên quan tiếp nhận và xử lý. Mặc dù thời gian triển khai chỉ được 3 tháng song đã nhận được hơn 600 ảnh phản ánh, trong đó có hơn 100 ảnh đã được cơ quan xử lý và gần 500 ảnh đã chuyển đến cơ quan có liên quan theo dõi, đôn đốc.
Thời gian tới, để thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử một cách thuận lợi và đạt được kết quả cao nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đề nghị tập trung triển khai đồng bộ, thống nhất việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử Trung ương đến địa phương; đẩy nhanh, đồng bộ quá trình số hóa và tạo lập hồ sơ điện tử công dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hướng tới mục tiêu công dân, doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ giấy 1 lần khi tham gia giải quyết TTHC tại địa phương.
Về chia sẽ cơ sở dữ liệu Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, địa phương là rất lớn; điển hình là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cho lĩnh vực tư pháp, dịch vụ hành chính công, y tế… Vì vậy, đề nghị Chính phủ có phương án thúc đẩy nhanh quá trình vận hành khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phục vụ cho nhu cầu cấp thiết hiện nay cũng như ban hành kế hoạch rà soát, các quy định về chia sẽ dữ liệu gắn liền giải pháp an toàn thông tin, an toàn hệ thống thông tin.