Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn Làng cổ Phước Tích
Ngày cập nhật 03/04/2019
Làng cổ Phước Tích

Làng Phước Tích thuộc thôn Phước Phú xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một làng nghề sản xuất gốm nổi tiếng, được hình thành từ thế kỷ XV (1470). Hơn 500 năm tồn tại và phát triển, đến nay ngôi làng vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị di sản vật thể vô giá như quần thể di tích kiến trúc dân gian độc đáo gồm 27 ngôi nhà rường cổ và 10 nhà thờ họ, phái cổ. Tất cả những ngôi nhà rường này đều trên 100 năm tuổi, được chạm khắc những họa tiết, hoa văn cực kỳ tinh xảo, cảnh quan xung quanh nhà nào cũng có vườn rộng nối liền nhau bởi những hàng rào bằng cây chè tàu bao quanh.

Qua thăng trầm lịch sử, những ngôi nhà rường cổ xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà được cơi nới sửa chữa biến dạng so với nguyên bản. Nhận thấy tầm quan trọng cần thiết phải bảo tồn hệ thống nhà vườn; đồng thời, đáp ứng nguyện vọng của bà con Làng cổ Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai hỗ trợ phục chế, bảo tồn các nhà vườn. Sau hơn hai năm thực hiện, đã đầu tư trùng tu 05 ngôi nhà rường; dự kiến năm 2019 tiếp tục đầu tư tôn tạo 09 nhà và năm 2020 phục chế 05 nhà rường.

Không dừng lại ở mức bảo tồn, nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm phát huy giá trị nhà rường cổ về mặt kinh tế, tạo nên sinh kế và cải thiện thu nhập cho cộng đồng. Nhiều hoạt động du lịch được tổ chức như tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm làm bánh truyền thống, làm gốm, xe đạp quanh làng, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng… Nhờ đó, tour tuyến du lịch “Hương xưa làng cổ” đã dần hình thành tên tuổi, thương hiệu.

 

 

 

Mặc dù vậy, du khách đến với Phước Tích còn rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng và nét đặc thù quý giá của Làng cổ. Có nhiều nguyên nhân gây trở ngại cho việc phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng tại địa điểm này; cụ thể có thể kể đến như: cơ sở vật chất phục vụ lưu trú trong làng chưa được chú trọng đầu tư; hoạt động quảng bá chưa nhiều; sản phẩm du lịch còn đơn điệu để đáp ứng nhu cầu về ẩm thực, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; tập quán văn hóa của địa phương; người dân vẫn chưa thực sự trở thành đối tác cung cấp dịch vụ du lịch tại làng trong khi doanh nghiệp không mặn mà đầu tư cũng như xây dựng các tour tuyến.

Để phát huy giá trị hệ thống nhà rường Phước Tích, các hạn chế này cần được khắc phục. Có nhiều nguyên nhân không thể giải quyết “một sớm một chiều”; song một số bước nhỏ dễ làm có thể được ưu tiên thực hiện trước. Trồng hoa ven sông quanh làng tạo cảnh quan cũng như hình thành “thiên đường sống ảo” thu hút du khách và giới trẻ đến “check in”, tạo nên kênh quảng bá hiệu quả. Hỗ trợ người dân trang bị cơ sở vật chất tốt, sạch ở các nhà rường đã đưa vào khai thác theo tour du lịch cộng đồng. Cho phép doanh nghiệp đầu tư theo hướng xây mới cơ sở nhà rường riêng biệt tại Làng cổ (chứ không nâng cấp cải tạo nhà rường của dân), tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch trung và cao cấp bên cạnh hình thức du lịch cộng đồng…

Để bảo tồn và phát triển bền vững nhà rường tại Làng cổ Phước Tích, trùng tu phục vụ nguyên trạng là chưa đủ mà cần thiết tạo nên giá trị kinh tế làm nguồn lực tái đầu tư, duy trì hiện trạng và phát huy giá trị của di tích. Để có được các yếu tố này, bên cạnh vai trò chính quyền địa phương, doanh nghiệp, sự tham gia của cộng đồng người dân là yếu tố then chốt đưa đến sự thành công. Điều này khẳng định mô hình phát triển du lịch di sản văn hóa dựa vào cộng đồng là hướng đi đúng, cần có giải pháp, bước đi cụ thể để hiện thực hóa định hướng./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.328.669
Truy cập hiện tại 562 khách