Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Báo cáo tình hình triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày cập nhật 06/09/2019
Hình ảnh minh họa

Thực hiện Kế hoạch giám sát Chương trình MTQG XD nông thôn mới  - dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức làm việc với các đơn vị tham gia đào tạo nghề lao động nông thôn. Trên cơ sở báo cáo của các trường và trung tâm đào tạo nghề, kết quả làm việc tại một số đơn vị, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, đánh giá tình hình đào tạo nghề  cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 như sau:

Những năm qua, công tác dạy nghề đã thực sự thay đổi nhận thức của người dân về học nghề, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết đã chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Đào tạo nghề không chỉ tập trung vào nhu cầu của người học, mà còn  xuất phát từ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và tăng năng suất, hiệu quả sản xuất của người lao động, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, đào tạo kết hợp với hỗ trợ tìm kiếm giải quyết việc làm.

Hầu hết nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN đều có phẩm chất, đạo đức tốt, tận tụy với sự nghiệp đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; chấp hành nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Các cơ sở đào tạo nghề đã có nhiều nỗ lực và giải pháp tích cực để tuyển sinh, có nhiều kinh nghiệm tổ chức đào tạo nghề nên công tác chiêu sinh, tổ chức, quản lý học viên và bố trí cán bộ giảng dạy, hỗ trợ tìm việc làm… đạt kết quả tốt.

Trong những năm qua, cơ sở đào tạo nghề đã thực hiện tuyển sinh bằng nhiều  hình thức đa dạng phong phú như: tổ chức tư vấn tuyển sinh tại các trường THCS, tổ chức tuyên truyền tận nhà, đăng tin trên các trang thông tin điện tử của Trường, Trung tâm và trang mạng xã hội: facebook, Zalo... Nhờ đó  trong 3 năm 2016-2018 đã mở 219 lớp đào tạo nghề lao động  nông thôn  cho 4.693 học viên.

Song song với công tác đào tạo nghề, các cơ sở đạo nghề đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ giải quyết việc làm sau đào tạo nghề, giúp học viên có được việc là phù hợp, vì vậy, sau khi học nghề đa số đều tìm được việc làm, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%.

Công tác giải ngân vốn hàng năm, đạt trên 85% kế hoạch vốn được bố trí và đều đúng tiến độ triển khai của các lớp, tạo điều kiện để các trường mở lớp thuận lợi.

Bên cạnh nhữn kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn tồn tại một số hạn chế như:

            - Nguồn kinh phí chủ yếu vào ngân sách của Trung ương hỗ trợ, kế hoạch phân bổ hàng năm chậm, việc lập kế hoạch đào tạo, tuyển sinh phụ thuộc vào kinh phí và hợp đồng ký kết với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nên hầu hết đến tháng 5 mới triển khai được các lớp do đó ảnh hưởng đến tiến độ chung của công tác đào tạo.

- Công tác tuyển sinh học viên học nghề khó khăn nên việc vốn giải ngân 6 tháng đầu năm 2019 còn quá chậm so với kế hoạch đề ra.

- Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn một số địa phương chưa gắn kết với chương trình MTQG XD NTM và chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và gắn với quy hoạch phát triển sản xuất.

- Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là công tác khảo sát nhu cầu, nguyện vọng được đào tạo của người lao động.

- Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu của người lao động và lập kế hoạch dạy nghề có nơi còn chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với yêu cầu; thiếu định hướng nghề nghiệp và việc làm sau khi kết thúc khóa học. Công tác đào tạo nghề mới chưa thu hút được lao động trẻ ở nông thôn tham gia.

- Đối với Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện sau khi sáp nhập đã cố gắng phát huy hiệu quả, song cơ sở vật chất khi nhận bàn giao thiếu đồng bộ; cán bộ, giáo viên, nhân viên vừa thừa vừa thiếu nên khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí lao động; giáo viên cùng một lúc phải tham gia sinh hoạt ở nhiều tổ chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Chưa có cơ chế chính sách ràng buộc doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo nghề và tham gia phối hợp cùng với  các Trường và Trung tâm trong các khâu chuỗi liên kết đào tạo nhất là khâu tuyển dụng, thực tập tại doanh nghiệp.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Chính quyền các cấp cần tổ chức khảo sát, dự báo chính xác nhu cần lao động cần đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, địa phương.

- Tăng cường tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện, xã về công tác đào tạo nghề, góp phần chuyển đổi nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của đào tạo nghề đối với công cuộc phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giảm nghèo. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở.

- Phân bổ sớm nguồn kinh phí, đồng thời xem xét việc ký hợp đồng đào tạo nghề lao động nông thôn vào đầu năm để các trường và trung tâm kịp tuyển sinh, đào tạo và thanh quyết toán trong năm. Đánh giá lại công tác giải ngân của các đơn vị qua các năm để có kế hoạch phân bổ vốn hiệu quả, hợp lý.

  - Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động thông qua nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng có trình độ nhận thức khác nhau để định hướng lựa chọn ngành nghề và phương pháp học nghề phù hợp.

- Đẩy mạnh công tác phân luồng, tư vấn định hướng nghề nghiệp và lựa chọn nghề phù hợp với định hướng kinh tế-xã hội của địa phương. Chú trọng hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm.

- Tập tung xây dựng đội ngũ CBQL, nhà giáo có chất lượng. Kiện toàn, củng cố và bồi dưỡng các nghiệp vụ chuyên môn đối với bộ máy cán bộ, đội ngũ giáo viên. Tiếp tục mở các khóa đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ và đội ngũ giáo viên.  Thường xuyên rà soát, hiệu chỉnh các nội dung, chương trình, giáo án giảng dạy.

- Chú trọng việc đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho lao đông nông thôn có tay nghề phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở trình độ sơ cấp, đồng thời mở rộng liên kết để đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện.

- Đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, khuyến khích xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Các cơ sở đào tạo chủ động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để được đầu tư trang bị máy móc thiết bị phù hợp với thực tiễn, thực tế ngành nghề phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp .

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị phục vụ đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới

- Điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật dạy nghề nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị dạy nghề đảm bảo chi phí đào tạo.

Sở KHĐT

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.326.051
Truy cập hiện tại 1.158 khách