Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc rà soát quy hoạch, tình hình đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày cập nhật 02/09/2012

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 2012 và Công văn số 6910/BCT-TVNL ngày 01 tháng 8 năm 2012 của Bộ Công Thương về việc rà soát tổng thể quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn cả nước. Ngày 28 tháng 8 năm 2012, tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì họp rà soát tổng thể quy hoạch và tình hình đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tham dự họp có đồng chí Lê Trường Lưu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc (Phó Giám đốc) các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng; Chủ tịch (Phó Chủ tịch) UBND các huyện/thị xã: Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới.

Sau khi nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tổng hợp ý kiến các cơ quan chuyên môn về kết quả rà soát tổng thể quy hoạch và tình hình đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; ý kiến tham gia thảo luận của các cơ quan, đơn vị dự họp; đồng chí Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận:

1. Với 21 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh có tổng công suất 357MW, trong đó có 3 dự án nhóm A đã đưa vào vận hành khai thác với tổng công suất 295MW (đạt trên 82% tổng công suất), góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện cũng đã bộc lộ một số vấn đề phát sinh như ổn định đời sống dân sinh tại các khu tái định cư, bảo vệ rừng tự nhiên vùng lân cận lòng hồ, tác động môi trường hạ du, đầm phá và điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục các vấn đề còn tồn tại nêu trên, đồng thời để có thời gian xem xét, đánh giá tổng thể hết các yếu tố tác động thực tế đến môi trường của các dự án thủy điện, UBND tỉnh thống nhất chủ trương:

- Đối với các dự án đã vận hành khai thác, tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong tái định cư, định canh và đền bù diện tích rừng bị ngập nước phát sinh; đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về vận hành hồ chứa, điều tiết nước, phòng chống lụt bão, bảo vệ an toàn công trình hồ đập, bảo vệ rừng.

- Đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư, yêu cầu cam kết tiến độ và tổ chức thực hiện đúng tiến độ đã cam kết, rà soát kỹ lưỡng các điều kiện triển khai dự án; kiên quyết thu hồi các dự án chậm trễ tiến độ, không triển khai.

- Thống nhất không xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án bị thu hồi và các dự án chưa có nhà đầu tư, trước khi đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của các dự án đã cấp phép đầu tư hoàn thành đưa vào vận hành khai thác; đối với dự án công suất nhỏ, hiệu quả thấp, chưa được phê duyệt đấu nối, xem xét loại bỏ ra khỏi quy hoạch.

2. Các dự án thủy điện cụ thể:

a) Đối với các dự án thủy điện đã hoạt động khai thác (A Lưới, Hương Điền, Bình Điền):

- Thủy điện A Lưới: tập trung chỉ đạo việc ổn định sinh kế cho người dân tại khu vực tái định cư, chuyển đổi đất đảm bảo việc canh tác nông nghiệp và giao rừng sản xuất cho người dân.

- Thủy điện Hương Điền: UBND huyện Phong Điền bố trí quỹ đất rừng sản xuất đền bù theo quy định và yêu cầu Công ty CP Đầu tư HD khẩn trương thực hiện việc chi trả khối lượng rừng trồng sản xuất bị ngập phát sinh trong quá trình tích nước hồ chứa.

- Chủ đầu tư các dự án thủy điện Bình Điền, Hương Điền phối hợp với các cơ quan liên quan, quan trắc, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước xả về sông Hương, phối kết hợp trong công tác đánh giá tổng thể tác động môi trường sông Hương, sông Bồ và hệ sinh thái đầm phá, tích cực phối hợp triển khai các biện pháp khắc phục.

b) Đối với các dự án đã cấp phép đầu tư (A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, Tả Trạch, A Roàng, Thượng Nhật, Thượng Lộ, Hồ Truồi):

- Thủy điện A Roàng: thống nhất cho phép Tổng Công ty Điện lực miền Trung khởi công dự án xây dựng nhà máy thủy điện A Roàng. Giao Sở Công Thương theo dõi, đảm bảo quá trình thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường và đầu tư xây dựng công trình; UBND huyện A Lưới theo dõi việc ổn định sinh kế cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

- Thủy điện A Lin B1: giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc Công ty CP thủy điện Trường Phú đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hoặc sớm thống nhất phương án chuyển giao dự án cho đơn vị có đủ năng lực thực hiện.

- Thủy điện bậc thang dưới thủy điện A Lin B1 (A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4): Sở Công Thương yêu cầu nhà đầu tư báo cáo chi tiết về các loại đất sử dụng (bao gồm diện tích đất làm đường thi công và đường dây đấu nối hệ thống điện) và tác động hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Rào Trăng sau khi nhà máy thủy điện A Lin B1 hoạt động, đánh giá năng lực thực hiện dự án, báo cáo UBND tỉnh xem xét lại chủ trương đầu tư; đồng thời xem xét đề xuất thu hồi dự án có công suất thấp, chiếm dụng đất lớn (Rào Trăng 4).

- Thủy điện Thượng Nhật, Thượng Lộ: Sở Công Thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các Chủ đầu tư để xem xét lại khả năng đầu tư, thống nhất cụ thể tiến độ triển khai; đề xuất phương án giải quyết cụ thể, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30 tháng 9 năm 2012.

- Thủy điện Hồ Truồi: hiện nay đã quá thời hạn đã gia hạn cho dự án và xét thấy hiệu quả dự án không đảm bảo và không phù hợp với chức năng chính phục vụ thủy lợi của hồ Truồi, thống nhất giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc, thông báo với nhà đầu tư và tham mưu UBND tỉnh giải quyết thu hồi dự án theo quy định trong trường hợp nhà đầu tư không cam kết được tiến độ và ký quỹ.

c) Đối với các dự án đã được phê duyệt đấu nối của Bộ Công Thương, nhưng do chậm triển khai đã bị thu hồi giấy phép đầu tư (Sông Bồ, Tà Lương) và dự án chưa có nhà đầu tư (Sông Bồ 1): thống nhất tạm dừng chấp thuận chủ trương đầu tư để xem xét đánh giá hiệu quả và tác động của các dự án nêu trên sau khi hoàn thành, đưa vào hoạt động khai thác.

d) Đối với các dự án thủy điện nhỏ chưa có nhà đầu tư (Ta Li, Vi Linh, Rào La, Ô Lâu 1, Ô Lâu 2, Ô Lâu 3): thống nhất loại ra khỏi quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2020, giao Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

3. Yêu cầu Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, UBND các cấp liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai đầu tư các dự án và vận hành các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo các quy định về giải phóng mặt bằng, tái định cư, ổn định sinh kế, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, phòng chống lụt bão, vận hành hồ chứa, đảm bảo lưu lượng nước cho sản nông nghiệp, an toàn đập, chất lượng công trình; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Bộ ngành Trung ương xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền. Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi tiến độ triển khai các dự án, các cam kết trong đầu tư xây dựng và tham mưu thu hồi các dự án vi phạm.  

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.292.725
Truy cập hiện tại 8.591 khách