|
|
| |
|
Cần quan tâm xây dựng đội ngũ an toàn vệ sinh viên lao động ở cơ sở Ngày cập nhật 08/06/2010 | Hội nghị tập huấn Luật lao động và Luật Công đoàn | Những năm qua, cùng với Hội đồng bảo hộ lao động, bộ phận bảo hộ lao động do doanh nghiệp thành lập, mạng lưới an toàn vệ sinh viên do tổ chức CĐ xây dựng và quản lý đã hoạt động có hiệu quả ở các đơn vị. Theo thống kê của Ban Chính sách Kinh tế XH LĐLĐ tỉnh, hịên nay, có khoảng 2.700 an toàn vệ sinh viên lao động ở các CĐCS. Đây có thể coi là một trong những biện pháp của tổ chức CĐ góp phần khắc phục tình trạng hệ thống thanh tra nhà nước trong lĩnh vực này còn thiếu. Theo quy định, an toàn vệ sinh viên lao động phải là những người lao động trực tiếp sản xuất, có am hiểu về nghiệp vụ, có nhiệt tình và gương mẫu về bảo hộ lao động được tổ sản xuất bầu ra, có nhiệm vụ nhắc nhở người lao động thực hiện tốt các quy định về bảo hộ lao động tại nơi làm việc, giúp đỡ người lao động liên hệ với người sử dụng lao động về các vấn đề liên quan tới môi trường và điều kiện lao động trong khu vực sản xuất nơi họ làm việc để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ người lao động. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều đơn vị vẫn “khoán việc” cho các tổ trưởng, quản đốc phân xưởng kiêm luôn công việc của an toàn vệ sinh viên lao động, như vậy là chưa phù hợp với quy định của Thông tư liên tịch số 14 năm 1998 giữa Bộ LĐTBXH- Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông Trương Đình Nghĩa- Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Gạch tuy nen Phong Thu giải thích cho việc kiêm nhiệm ấy rằng: “Do trình độ của an toàn vệ sinh viên là công nhân trực tiếp sản xuất hạn chế, nên việc tuyên truyền về an toàn vệ sinh gặp khó khăn. Mặt khác, tiếng nói của các tổ trưởng, quản đốc sẽ có “ trọng lượng” hơn trong việc nhắc nhở NLĐ”
Hàng năm LĐLĐ tỉnh đều tổ chức tập huấn cho đội ngũ an toàn vệ sinh viên ở cơ sở, tổ chức hội thi tìm hiểu về an toàn vệ sinh lao động. Công tác phối hợp với các ban ngành trong tỉnh tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ – PCCN được LĐLĐ tỉnh duy trì tốt, thu hút hàng ngàn lượt CNLĐ tham gia; đồng thời, phát hành tờ rơi, tranh ảnh tuyên truyền về công tác ATVSLĐ ở nhiều lĩnh vực đến CNLĐ.... Những hoạt động tuyên truyền đó đã có tác động đến nhận thức của CNVC – LĐ và nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn làm công tác bảo hộ lao động.
Trong năm 2009, tình hình an toàn lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đột biến tăng hơn so với những năm trước, là nỗi lo lắng của mỗi công nhân lao động làm việc trực tiếp trên công trường, trong nhà máy, là nỗi trăn trở của các doanh nghiệp và là mối quan tâm của toàn xã hội. LĐLĐ tỉnh đã vận động các doanh nghiệp đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ gia đình CNLĐ bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp với số tiền trên 150 triệu đồng, để chia sẻ những khó khăn với những công nhân bị nạn. Đồng thời tham gia giải quyết các chế độ chính sách cho CNLĐ gặp nạn, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Tổ chức CĐ luôn nỗ lực để nâng cao khả năng an toàn người lao động trong sản xuất, vấn đề còn lại sự tạo điều kiện từ phía DN để mạng lưới này có thể làm tốt công việc của mình. Hiện tại, mạng lưới an toàn vệ sinh viên trên địa bàn tỉnh đang hoạt động trên tinh thần tự giác, “tình thương và trách nhiệm” là chính, chưa có một chế độ phụ cấp nào được áp dụng cho ATVSV. Một số rất ít doanh nghiệp như Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và thi công xây lắp TT Huế đã quan tâm xây dựng chế độ phụ cấp cho 12 ATVSV, với mức từ 50.000đ đến 150.000đ/ người/ tháng. Một ATVSV cho biết: “ Mặc dù mức phụ cấp của tôi chỉ 50.000đ/ tháng, nhưng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo xí nghiệp với đội ngũ ATVSV, với công tác ATVSLĐ”
Giải pháp để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ những năm tới: các cấp CĐ cần năng động, sáng tạo hơn nữa trong công tác tham mưu vấn đề vệ sinh an toàn lao động ở cơ sở, nhất là việc xây dựng Kế hoạch bảo hộ lao động và các biện pháp an toàn vệ sinh lao động hàng năm hoặc kế hoạch theo đơn đặt hàng của đơn vị. An toàn vệ sinh viên lao động cần gắn việc đôn đốc, kiểm tra giám sát mọi người chấp hành nghiêm túc ATVS trong sản xuất, và tham mưu với đơn vị kẻ vạch khoanh vùng khu vực đi lại và vận chuyển hàng hoá, khu vực tập kết vật liệu và hàng hoá trong nhà máy; đồng thời đề nghị với doanh nghiệp đặt bảng Nội quy an toàn lao động và quy trình vận hành máy móc thiết bị tại những nơi công nhân lao động dễ nhìn thấy tại nơi làm việc.
Những động thái tích cực của CĐCS, của mạng lưới an toàn vệ sinh viên lao động là điều không thể thiếu, góp phần giúp DN thực hiện tốt vấn đề kỷ luật lao động, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp và giảm thiểu những nguy cơ mất an toàn lao động như cháy nổ, điện giật... Các CĐCS làm tốt những công việc này là bảo đảm quyền lợi cho CNLĐ, đồng thời bảo đảm cho sự phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của DN.
ATVS lao động là câu chuyện cũ nhưng luôn mang tính thời sự, “An toàn là số một, chất lượng là trên hết” đã trở thành khẩu hiệu tuyên truyền của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện về an toàn vệ sinh lao động vẫn không bao giờ cũ, nó vẫn đang là một vấn đề mang tính thời sự, khi nó gắn liền với những quyền lợi thiết thân của người lao động, của doanh nghiệp và toàn xã hội, trong đó không thể thiếu hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên do Công đoàn thành lập và quản lý hoạt động
Ban Tuyên giáo Các tin khác
|
Thống kê truy cập Tổng truy cập 13.328.669 Truy cập hiện tại 16 khách
|