Bấm để phóng to ảnh
Một sân chơi bổ ích
Cuộc thi vẽ tranh " Nét trữ tình nơi Làng cổ" là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với COVID-19" (Dự án ISEE-COVID) được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada (GAC) và thực hiện bởi UNDP cùng Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với mục đích quan trọng nhằm khám phá lịch sử địa bàn và thúc đẩy truyền thông, quảng bá Vùng đệm bàng Phò Trạch và Làng cổ Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là dịp để cộng đồng cùng nhau chiêm ngưỡng và trân trọng nét đẹp văn hóa, thiên nhiên của Làng cổ Phước Tích, qua đó thúc đẩy du lịch bền vững nơi đây và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) về du lịch và du lịch cộng đồng tại địa bàn.
Sự tham gia nhiệt tình và chất lượng bài dự thi cao
Sau hai tuần kể từ khi khai mạc, cuộc thi nhận được 47 bài dự thi đến từ các lứa tuổi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các tác phẩm dự thi vô cùng phong phú về đề tài và đa dạng về phong cách, từ những bức tranh miêu tả cuộc sống hàng ngày, cảnh đẹp quê hương, đến những tác phẩm mang tính sáng tạo cao, thể hiện ước mơ và khát vọng của tác giả. Đặc biệt, các bức vẽ được thể hiện trên tấm đệm dệt từ cỏ bàng – một chất liệu thân thiện với môi trường và cũng là sản phẩm truyền thống của làng nghề Phò Trạch, huyện Phong Điền.
Ban giám khảo, gồm các họa sĩ và giảng viên mỹ thuật uy tín, đã phải làm việc vất vả để chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất. Họ đánh giá cao sự sáng tạo, khả năng biểu đạt cảm xúc và kỹ thuật vẽ tranh của các thí sinh. Nhiều bài dự thi không chỉ gây ấn tượng bởi màu sắc tươi sáng, hài hòa mà còn truyền tải những thông điệp sâu sắc, ý nghĩa.
Bấm để phóng to ảnh
Lễ trao giải trang trọng và đầy cảm xúc
Lễ trao giải bắt đầu lúc 14 giờ 00. Ban Tổ chức điểm lại các hoạt động nổi bật đã diễn ra trong suốt quá trình cuộc thi. Đây là dịp để nhìn lại những nỗ lực và sáng tạo của các thí sinh, đồng thời đánh giá tổng quan về chất lượng của các tác phẩm tham gia. Sau phần phát biểu của đại diện Ban Tổ chức, những giải thưởng cao quý nhất lần lượt được công bố.
Với hạng mục đối tượng thí sinh trên 18 tuổi, Giải Nhất thuộc về thí sinh Nguyễn Văn Viễn Phương với tác phẩm "Ánh chiều quê". Bức tranh không chỉ đẹp về màu sắc mà còn gửi gắm thông điệp ý nghĩa về làng quê cổ. Viễn Phương chia sẻ: “Khi chúng ta lớn lên thường phải rời xa gia đình, chạy theo các công việc, cuộc sống. Chúng ta bận rộn và quên mất cho mình những những phút giây được trở về với quê hương. Được thong dong trên các con đường làng, được ngắm những ánh hoàng hôn đằng sau các rặng tre.”
Bên cạnh đó là 01 giải Nhì (thí sinh Lê Thị Nhớ), 01 giải Ba (thí sinh Nguyễn Thị Thu Huyền), 02 giải Khuyến Khích (thí sinh Nguyễn Thị Hòe, Trần Thị Thi Linh) và 01 giải yêu thích do khán giả bình chọn (thí sinh Nguyễn Trần Nhật Khánh) đã được trao.
Với hạng mục đối tượng dưới 18 tuổi, Giải Nhất thuộc về thí sinh Ngô Nguyễn Tuệ Mẫn với tác phẩm "Trong xanh". Một bức tranh hài hòa, chứa đựng những nét đẹp hồn nhiên từ góc nhìn của cô bé nhỏ tuổi.
Ban Tổ chức cũng trao 01 giải Nhì (thí sinh Phạm Nguyễn Như Quỳnh), 01 giải Ba (thí sinh Trần Ngọc Thảo Nguyên) và 04 giải Khuyến Khích cho các thí sinh: Huỳnh Phan Nhật Huy, Lê Hoàng Như Kỳ, Văn Diệp Anh và Hồ Văn Nhật Huy ở hạng mục này. Bên cạnh đó, giải Yêu thích dành cho tác phẩm được bình chọn nhiều nhất thông qua mạng xã hội Facebook thuộc về thí sinh Hoàng Khánh Linh cũng đã được công bố.
Sự kiện giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm
Sau phần trao giải, các em nhỏ có cơ hội tham gia buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm vẽ tranh cùng các họa sĩ chuyên nghiệp. Đây là dịp để các em học hỏi, trao đổi và tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. Nhiều em bày tỏ mong muốn tiếp tục tham gia các cuộc thi vẽ tranh trong tương lai, cũng như theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp.
Lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh "Nét trữ tình nơi Làng cổ" năm 2024 đã kết thúc trong không khí vui tươi và đầy phẩn khởi.
Sự kiện này không chỉ là dịp để tôn vinh các tài năng nghệ thuật mà còn góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa và du lịch của địa phương. Qua đó, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự phát triển bền vững và tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng. Các hoạt động này cũng góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đóng góp của các họa sĩ trẻ.
Hy vọng rằng, thông qua sự kiện này, chúng ta sẽ thấy được sự gắn kết chặt chẽ giữa nghệ thuật và cộng đồng, giữa truyền thống và hiện đại, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển du lịch cộng đồng nói riêng và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.